Xuất khẩu gạo hướng đến giảm lượng, tăng trị giá

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; tăng tỉ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam; phấn đấu đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu giảm xuống khoảng 4 triệu tấn, nhưng vẫn đảm bảo giá trị ổn định từ 2,3-2,5 tỉ USD/năm.


Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất khẩu gạo, đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ xuất khẩu gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo đặc sản, japonica... chiếm 40%. Ảnh: A.C

Loại bỏ xuất khẩu “gạo vô danh”

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn từ 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm dự kiến khoảng 4,5-5 triệu tấn vào năm 2020, trị giá bình quân từ 2,2-2,3 tỉ USD. Từ giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn vào năm 2030, giá trị xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định và tăng, đạt khoảng 2,3-2,5 tỉ USD/năm

Song song với đó là chú trọng chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, cụ thể đến năm 2020, tỉ trọng gạo trắng cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%, tỉ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 30%, gạo nếp chiếm khoảng 20%, các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo khoảng 5%. Đến năm 2030, tỉ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó, gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt 10% tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%, tăng dần tỉ trọng các sản phẩm gạo giá trị gia tăng cao khoảng trên 10%.

PGS-TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công thương) - thẳng thắn cho biết: “Từ trước đến nay, nước ta xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, nhưng luôn xuất khẩu loại “gạo vô danh” mang tên “gạo 25% tấm”. Do vậy trên kệ hàng thế giới không bao giờ có thương hiệu gạo Việt. Vì từ trước đến nay chúng ta chưa đồng lòng xây dựng gạo chất lượng cao và có thương hiệu. Công bằng mà nói, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng Công ty Lương thực miền Nam đều không muốn xây dựng thương hiệu gạo. Họ chỉ bám vào các hợp đồng nhà nước đối với Philipines và một số nước để bán gạo 25% tấm thôi. Như vậy rất “ngon” và được có quyền xin - cho, cho ai được tham dự vào việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Một số doanh nghiệp tại An Giang cũng đã chú ý thương hiệu gạo, nhưng lại làm ăn nhỏ bé, muốn xuất khẩu gạo lại phải “qua cầu” vì doanh nghiệp không có tên trong danh sách được đưa gạo vào thị trường đó. Cho nên, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi cách làm ăn. Vì vậy, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành rất đúng lúc”.

“Lối mở” cho doanh nghiệp

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, phấn đấu vào năm 2030, lượng gạo xuất khẩu của nước ta đạt khoảng 4 triệu tấn. Trong đó nâng dần tỉ trọng gạo chất lượng cao lên mức khoảng 40%. Định hướng chung của chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo thông dụng của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư.

Trước đây, nhiều lần trao đổi với PV Báo Lao Động, GS Võ Tòng Xuân cũng đã chỉ ra rằng, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần làm một cuộc “cách mạng xanh”, “cách mạng sinh học” để cải thiện môi trường trồng trọt; nâng cao hiệu quả sản xuất; nâng cao uy tín, thương hiệu của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Tất Thắng cũng cho rằng, cần phải có được những sản phẩm gạo có chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ như, xuất khẩu gạo sang khu vực Đông Bắc Á (Nhật, Hàn Quốc) thì gạo phải rất dẻo; xuất khẩu gạo sang khu vực Châu Mỹ thì gạo cho cơm phải khô, rời, săn; xuất khẩu gạo sang vùng người dân theo đạo Hồi ăn cơm bằng tay thì không được dính”.

Ông Lý Thái Hưng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc - cho rằng: “Để xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam, cần chú trọng đãi ngộ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra những giống lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thế giới. Chúng ta có những chuyên gia, những nhà khoa học về lúa gạo rất giỏi. Chúng ta có thể chủ động về giống, nếu có chế độ đãi ngộ để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ đặt hàng những giống lúa được nghiên cứu, lai tạo có chất lượng ổn định, bền vững”.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, thực hiện đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ngành nông nghiệp đang rà soát, phân tích kỹ từng thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam, từ đó xác định các giống phù hợp cho từng thị trường, phân khúc từng thị trường theo hướng xuất khẩu bền vững những loại gạo chất lượng cao, ổn định, giá trị kinh tế lớn. Muốn như vậy, cần những cánh đồng mẫu lớn, có sự liên kết giữa các nhà khoa học - doanh nghiệp và nông dân, trong đó, việc áp dụng khoa học công nghệ cần đặc biệt được chú trọng.

Theo dẫn nguồn của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) từ Reuters, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) ngày 6.7 cho biết sẽ mở thầu quốc tế để mua 250 nghìn tấn gạo trắng hạt dài loại 25% tấm, bởi hiện tại lượng dự trữ của chính phủ đang rất thấp. Hạn nộp hồ sơ đấu thầu phải trước ngày 25.7. Theo yêu cầu, toàn bộ 250 nghìn tấn gạo nêu trên sẽ được chuyển tới Philippines trong thời gian từ tháng 8-9.2017. L.V

Phong Nguyễn (Báo Lao Động)




09 3663 2015